Đồ án Quy hoạch chung thành phố Trà Vinh (mở rộng) đến năm 2045 được UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt tại Quyết định số 1499/QĐ-UBND ngày 4/10/2023.
Theo đó, phạm vi và ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích thành phố Trà Vinh hiện hữu, một phần huyện Châu Thành (bao gồm toàn bộ xã Hòa Thuận; xã Nguyệt Hóa; toàn bộ ấp Trì Phong, ấp Kinh Xáng thuộc xã Hòa Lợi; toàn bộ ấp Ba Se A, Ba Se B, Ô Chích A, Ô Chích B thuộc xã Lương Hòa) và một phần huyện Càng Long (bao gồm toàn bộ xã Phương Thạnh, xã Đại Phúc, xã Đại Phước) với tổng diện tích gần 16.337ha (diện tích hiện nay là 6.803ha).
Thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh, phát triển theo mô hình đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, sáng tạo, tương tác cao; là trung tâm hành chính, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là đầu mối giao thông phía Bắc của tỉnh và là đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh và các khu vực trong vùng ĐBSCL…
Thành phố Trà Vinh.
Về quy mô dân số, đến năm 2025, thành phố Trà Vinh có khoảng 200.000 người; năm 2030 khoảng 242.500 người và năm 2045 là khoảng 355.500 người.
Về định hướng tổ chức không gian đô thị, thành phố phát triển theo cấu trúc hình sao, tập trung mở rộng theo các trục giao thông chính, hình thành các trục đô thị hóa mật độ cao, xen kẽ là khu vực phát triển đô thị mật độ thấp và nông nghiệp đô thị tạo thành các vùng trữ nước và sinh quyển.
Thành phố Trà Vinh có trung tâm hành chính hiện hữu tại vị trí lõi trung tâm thành phố với kiến trúc trang nghiêm, vừa mang tính hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, đặc thù đô thị. Còn trung tâm hành chính mới dự kiến hình thành tại xã Nguyệt Hóa, giao nhau giữa đường Nguyễn Đáng và sông Láng Thé, kiến trúc sử dụng hình khối hiện đại, không gian mở tạo đặc trưng sông nước Nam Bộ.
Các công trình du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao có hình thức kiến trúc đa dạng, phong phú, phù hợp với tính chất công trình, tạo không gian kiến trúc khang trang…
Thành phố Trà Vinh là một trong những đô thị có nhiều cây xanh cổ thụ nhất ở miền Tây.
Về giao thông đường thủy, quy hoạch xây dựng mới cảng hành khách Trà Vinh giáp theo sông Cổ Chiên, ở khu vực ngã ba kênh Trà Vinh và sông Cổ Chiên. Cảng có vai trò tập kết và chuyển tiếp nhu cầu di chuyển của hành khách giữa thành phố Trà Vinh với các khu vực lân cận như cù lao Long Trị, huyện Châu Thành… thông qua tuyến kênh Trà Vinh và sông Cổ Chiên.
Cảng hành khách thuộc cụm cảng Trà Vinh, theo quy hoạch đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, đến năm 2030 cụm cảng này đạt công suất 800.000 lượt hành khách/năm, phục vụ tàu khách quy mô 100 chỗ.
Về giao thông đường bộ, có các dự án ưu tiên đầu tư như cầu Long Bình 1; tuyến đường giáp sông Láng Thé; đường vành đai 3; đường Trần Phú nối dài; đường 19/5 nối dài; nâng cấp, mở rộng đường Trương Văn Kỉnh…
Đồ án quy hoạch chung thành phố Trà Vinh (mở rộng) đến năm 2045 được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi công bố đồ án, các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Trà Vinh sẽ triển khai thực hiện.
Thành phố Trà Vinh được thành lập theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ. Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 241/QĐ-TTg công nhận thành phố Trà Vinh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Trà Vinh. Thành phố Trà Vinh hiện nay có diện tích tự nhiên 6.803ha, chiếm gần 3% diện tích toàn tỉnh, dân số khoảng 110.000 người. Nằm ở phía Nam sông Tiền, thành phố Trà Vinh cách TPHCM hơn 200km, cách thành phố Cần Thơ 100km, cách bờ biển Đông 40km.